Sau cú sốc mà hai token đình đám Luna và UST gây ra thì việc nắm vững khái niệm và cơ chế hoạt động của Stablecoin đang là điều mà giới đầu tư rất quan tâm. Bài viết này sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quát hơn về những loại tiền ảo được gọi là Stablecoin trên thị trường hiện nay.
1. Stablecoin là gì?
Stablecoin là một loại tiền mã hóa phát triển trên nền tảng Blockchain và có mức giá ổn định. Giá trị thị trường thường được gắn chặt với giá của một loại tài sản, chẳng hạn như USD (1 Stablecoin = 1USD), hay một số đồng tiền khác như EUR, JPY, CNY… Do vậy nó thừa hưởng đầy đủ các ưu điểm như tính phi tập trung, bảo mật cao và được bảo trợ, kiểm soát nghiêm ngặt.
2. Lý do khiến Stablecoin quan trọng
Đó là bởi vì khi Stablecoin xuất hiện nó đã giải quyết được sự biến động trong thị trường tiền điện tử hiện tại. Các Trader hay Investor có thể chuyển tài sản sang Stablecoin để tránh sự tác động mà không nhất thiết phải đổi sang Fiat. Đây được ví như một chiếc cầu nối giữa thị trường tiền điện tử với thị trường tài chính truyền thống.
3. Các loại Stablecoin
3.1. Stablecoin được hỗ trợ bởi tiền pháp định (Fiat)
Các Stablecoin phổ biến nhất trên thị trường là những loại được bảo chứng bởi tiền pháp định (Fiat) theo tỷ lệ 1:1. Có nghĩa là mỗi đồng Stablecoin khi được phát hành phải tương ứng với một đồng Fiat ngoài đời thực. Một số cái tên phổ biến phải kể đến như:
Tether (USDT): Đây là một trong những Stablecoin đầu tiên và cũng là phổ biến nhất hiện nay. Đồng tiền này được thiết kế để luôn giữ giá trị quy đổi ngang với giá trị của USD (đô la Mỹ). Sự ổn định của USDT nằm ở việc cố định mức giá vào một đồng tiền pháp định và với mỗi USDT được lưu hành là 1 USD được cất giữ.
Binance USD (BUSD): Được sáng lập bởi Paxos và Binance. Cũng như USDT, BUSD được hỗ trợ bởi tiền pháp định, duy trì tỷ giá bằng USD. Khi giá của USD tăng/giảm, giá của đồng BUSD cũng biến động. Mỗi BUSD có thể đổi lấy 1 USD trong quỹ dự trữ. Bằng cách gửi BUSD của bạn đến Paxos, họ sẽ đốt các token của bạn và cung cấp cho bạn tiền pháp định. Cơ chế này giữ cho nguồn cung và dự trữ của BUSD ở tỷ lệ 1: 1 không đổi.
USD Coin (USDC): Là một Stablecoin theo tiêu chuẩn ERC 20 được phát triển trên nền tảng blockchain của Ethereum. USDC được bảo chứng hoàn toàn bởi đồng USD theo tỷ giá 1:1 USD. USDC được kiểm soát bởi luật pháp của Mỹ và được hỗ trợ bởi các ngân hàng đối tác lớn nên độ an toàn được đánh giá cao.
3.2. Stablecoin được hỗ trợ bởi crypto
Khác với Stablecoin kể trên, thì loại này sử dụng một tiền điện tử (Crypto) để bảo chứng cho giá trị của mình, hay nói cách khác là đảm bảo bằng tài sản thế chấp. Các Stablecoin thuộc loại này có thể vượt mức (thường là 1.5 lần) để giữ tỷ giá ổn định trong những thời điểm thị trường biến động.
Khi mua Stablecoin, bạn khóa crypto của mình vào một hợp đồng thông minh để nhận được các mã thông báo có giá trị đại diện ngang nhau. Sau đó đặt lại Stablecoin vào cùng một hợp đồng để rút số tiền ký quỹ ban đầu.
Nổi bật nhất phải kể đến DAI của Maker DAO. Chẳng hạn như để đúc 100 USD của đồng DAI neo giá USD, thì bạn sẽ phải thế chấp tiền mã hóa tương đương 150 USD (gấp 1.5 lần). Sau đó, bạn hoàn toàn có thể dùng nó để đầu tư, chuyển hay lưu trữ. Nếu muốn lấy lại tài sản thế chấp , bạn sẽ cần trả lại 100 DAI. Tuy nhiên, nếu tài sản thế chấp bị giảm xuống dưới một tỷ lệ nhất định, nó sẽ bị thanh lý để tránh thất thoát.
3.3. Stablecoin thuật toán
Những loại Stablecoin này sẽ sử dụng một thuật toán để điều chỉnh nguồn cung Token được phát hành dựa trên nhu cầu thị trường. Nó cũng tương tự như chính sách quản lý tiền tệ của các ngân hàng trung ương.
Hiểu đơn giản hơn là nếu giá bị giảm xuống dưới mức niêm yết theo đồng Fiat mà nó được neo, hệ thống Stablecoin thuật toán sẽ giảm nguồn cung token bằng cách stake (giữ và khóa), burn (đốt) hoặc mua lại. Ngược lại, nếu giá vượt quá mức Fiat, token mới sẽ được phát hành, lưu thông để kéo giá trị của nó về lại mức đã định.
Nổi tiếng nhất trong các loại Stablecoin thuật toán có lẽ là Terra – cái tên gây ra nhiều sóng gió cho thị trường và khiến không ít nhà đầu tư phải lao đao vào hồi 05/2022.
Hi vọng qua bài viết này, bạn sẽ hiểu hơn về cơ chế hoạt động của các Stablecoin hiện nay trên thị trường. Đồng thời nó sẽ có ích khi bạn bắt đầu tham gia vào thị trường Crypto đầy biến động.